Sự nghiệp Thanh_Mai_(ca_sĩ)

Âm nhạc

Từ thuở nhỏ, Thanh Mai bắt đầu con đường ca nhạc năm cô 10 tuổi. Cô hát trong ban nhạc thiếu nhi của Xuân Phát và được biểu diễn trên Đài truyền hình, đơn ca bài "Bức họa đồng quê". Một thời gian ngắn sau đó, cô lại có mặt trong các chương trình của ban văn nghệ Phòng 5 Cảnh sát Dã chiến. Tuy không nhận thù lao nhưng bù lại cô được trau dồi kỹ thuật, được tập dợt, và biểu diễn trên sân khấu nên đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm.

Đến năm 17 tuổi, Thanh Mai bắt đầu vào con đường ca hát chuyên nghiệp hơn, cô thường hát cho các phòng trà như là Chiều Tím tọa lạc trên đường Võ Tánh, Sài Gòn. Từ mốc hát ở phòng trà Chiều Tím, người ta nhận ra rằng cô là yếu tố thu hút khách hàng nên đã mời cô hợp tác. Một thời gian sau, những số nơi khác như phòng trà Chi Lăng do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết làm chủ, nhà hàng Hồng Hoa ở dốc cầu xa lộ Biên Hòa cũng mời cô cộng tác. Thế là may mắn đã đưa cô đến với một danh cầm tài hoa, một nhạc sĩ nổi tiếng với lòng yêu nghệ thuật đó là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ông tình cờ nghe cô hát ca khúc "Giã từ đêm mưa" tại nhà hàng Hồng Hoa với sự hỗ trợ của một ban nhạc do Nguyễn Ánh 9 là trưởng ban nhạc, ông mến mộ giọng hát của cô và nhận cô làm học trò của mình. Kể từ đó, Nguyễn Ánh 9 luôn tận tình chỉ dạy cho cô về nhạc lý.

Sau một thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tiếp tục ưu ái cho cô ca sĩ trẻ, muốn kết hợp Thanh Mai với một giọng ca nam đó là nhạc sĩ Quốc Dũng. Khi cả hai cùng thử giọng thành công, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 liền đưa cặp song ca lên trình bày ca khúc "Ai đưa em về" trên Đài truyền hình.

Tên tuổi của Thanh Mai ngày càng nổi bật hơn khi song ca với ca nhạc sĩ Quốc Dũng, một nhạc sĩ nổi tiếng qua nhiều tác phẩm quen thuộc như "Mai", "Chuyện 3 người", "Chín con số một linh hồn",... Trong thời gian hợp tác với nhau, cả hai đã làm nên tên tuổi của mình qua những ca khúc trẻ trung, năng động do Quốc Dũng sáng tác và viết riêng cho ca sĩ Thanh Mai, khiến cho giới trẻ Sài Gòn, đặc biệt là học sinh và sinh viên thời bấy giờ rất yêu thích, như là "Quê hương và mộng ước", "Bên nhau ngày vui", "Cơn gió thoảng"... Họ trở thành cặp song ca thần tượng của giới trẻ Sài Gòn xưa và thường xuyên được mời cộng tác với phòng trà (Ritz, Queen Bee (Khánh Ly), và Đường Sơn Quán), thường xuyên xuất hiện trên khung ảnh truyền hình, xuất hiện trong các chương trình nhạc trẻ và đại hội nhạc trẻ rất được giới trẻ hoan nghênh.

Điện ảnh

Riêng đối với Thanh Mai, không chỉ được biết đến trong giới yêu âm nhạc, ngay cả lĩnh vực điện ảnh, Thanh Mai cũng được các đạo diễn làm phim chú ý đến nhiều. Trong một lần đi xem đá bóng tại sân banh Cộng hòa, cô tình cờ gặp được nhạc sĩ Lam Phương và ông mời cô tham gia vào bộ phim "Gác chuông nhà thờ" do Túy Hồng (vợ của nhạc sĩ Lam Phương) sản xuất. Sau khi thử vai thành công trong bộ phim này qua đạo diễn Lê Hoàng Hoa, cô tiếp tục tham gia phim "Bẫy Ngầm" và trình chiếu vào năm 1972. Sự diễn xuất trong bộ phim Bẫy Ngầm khiến Thanh Mai được giới sành điệu đặc biệt chú ý, mến mộ và được chọn trao giải Diễn viên phụ xuất sắc năm 1972. Thời gian sau, cô lại tham gia một bộ phim hài kinh điển và nổi tiếng của Việt Nam "Năm vua hề về làng" vào năm 1974 và công chiếu vào tháng 2 năm 1975 cho Liên Ảnh của hai ông Lưu Trạch Hưng (đã từ trần tại San Francisco cách nay ít năm) và nhà báo Quốc Phong (chủ nhiệm - chủ bút nhật báo Tiếng Vang và tuần báo Kịch Ảnh ở Sài Gòn, hiện định cư tại Nice, Pháp quốc) và (là bộ phim cuối cùng của cô trước khi ngày 30 tháng 4 năm 1975 diễn ra), trong phim này cô diễn xuất cùng nghệ sĩ hài Thanh Việt, NSƯT Thanh Nga và nghệ sĩ hài Khả Năng. Sau đó, cô xuất hiện lần đầu trên khung ảnh truyền hình bản nhạc Cô hàng nước trong chương trình Trường Duy.

Một lần nữa, Thanh Mai được đưa lên nấc thang danh vọng, nổi tiếng dần trong giới nghệ thuật, nhận nhiều sự ưu ái và ngưỡng mộ từ giới truyền thông với lối diễn xuất duyên dáng, khả ái khiến giới trẻ Sài Gòn ngày càng được biết đến cô nhiều hơn.

Không lâu sau đó, đạo diễn kiêm chủ hãng phim Alpha, Thái thúc Nha, mời cô hợp tác trong phim "Tuổi Dại", bộ phim vừa mới thực hiện xong, chưa được công chiếu thì biến cố 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra, cho nên sự nghiệp của Thanh Mai đã phải chịu gián đoạn một thời gian khá dài. Cuối năm 1978, cô cùng chồng là anh Yersin (người Việt mang quốc tịch Pháp) chuyển sang định cư tại Pháp dưới danh nghĩa hồi hương. Khi đến Pháp định cư, cô lại tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình qua sự cộng tác với các chương trình nhạc hội, quay băng video,..v..v.

Có một lần ca sĩ Thanh Mai từng chia sẻ rằng cảm thấy tiếc khi trước 1975 cô đã không nhận lời mời tham gia trong bộ phim Trường Tôi (thay thế vai nữ chính do diễn viên Tuyết Lan đảm nhận) với nam chính là nhạc sĩ Quốc Dũng. Nguyên nhân khiến cô từ chối đạo diễn Lê Dân vì tiền thù lao chỉ có 50 ngàn thời đó và đi quay khó khăn, mất nhiều thời gian, so với các phim khác khá hơn. Nếu như cô đồng ý tham gia thì chắc rằng đã để lại những hình ảnh đẹp về cặp đôi song ca Thanh Mai - Quốc Dũng trên màn ảnh rộng.

Bộ phim "5 vua hề về làng"

"5 vua hề về làng" là bộ phim nói về những ông vua làng hài của trước năm 1975 kể về nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" của họ. Với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lừng danh thời bấy giờ: Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Việt, Ba Vân, Khả Năng, Thanh Hoài, Tùng Lâm, La Thoại Tân, Văn Chung,... Trong bộ phim này, ca sĩ Thanh Mai được xuất hiện cùng với Thanh Nga, Thanh Việt và Khả Năng với phân cảnh được ông vua hề Thanh Việt kể lại câu chuyện của mình.

Chuyện được kể về Siro Việt, một ảo thuật gia (Thanh Việt đóng) muốn cưa cẩm cô Mai (ca sĩ Thanh Mai đóng) nên anh mời cô về nhà dạy cho cô những trò ảo thuật. Nhưng chẳng như mong đợi, Cô Nga (NSƯT Thanh Nga đóng) đã bắt anh Việt phải làm các công việc nhà như thường lệ vào ngày Chủ Nhật, nhưng xui xẻo trùng với ngày mình phải hẹn hò dù năn nỉ cách mấy vẫn không được. Từ bạn mà thành thù, cả hai người luôn bày ra các chiêu trò chơi khăm để quấy rối nhau, làm cho mọi chuyện trở nên xáo trộn. Đến cuối cùng thì "người mất đào, kẻ mất kép", do cô Nga đã lém lỉnh bày trò muốn phá hỏng kế hoạch của anh Việt, hậu quả cho anh chàng ảo thuật gia đã nhận một cái tát tay của cô Mai vì nghĩ mình đã bị lừa bởi một tên "đầy tớ". Còn người tình của cô Nga (Khả Năng đóng) cũng tức giận bỏ đi vì cho rằng cô đã trêu đùa tình cảm của mình qua nhiều trò phá quấy không biết từ đâu, nhưng đâu biết đó là do sự trả đũa của những trò ảo thuật của Việt mà nên.

Đây cũng là bộ phim cuối cùng mà Thanh Mai tham gia trước khi 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra. Theo Thanh Mai chia sẻ, đây cũng là một bộ phim đã để lại cho cô nhiều kỷ niệm nhất. Cô cho biết về danh hài Thanh Việt rất có duyên từ trong kịch cũng như ngoài đời, khiến cô và các đồng nghiệp lúc nào cũng cười.

Sự nghiệp Ở Hải Ngoại

Vào thời gian sống bên Pháp, hoạt động ca hát của ca sĩ Việt Nam tại hải ngoại vẫn còn èo uột nên cả gia đình chuyển sang một phương thức kinh doanh khác đó là mở quán ăn. Vào năm 1983, cô được mời đến hát tại phòng trà Tự do ở Houston khoảng 1 tháng, sau đó cô đi du lịch tại California, vì khí hậu ở Cali khá giống ở Sài Gòn nên cô quyết định chuyển đến Cali định cư. Sau khi được phép sang định cư tại Hoa Kỳ vào cuối năm 1984, cô vẫn hoạt động ca hát nhưng một phần vì muốn chăm sóc gia đình nhỏ và mong muốn kinh doanh thương mại của chồng nên Thanh Mai tạm gác sự nghiệp ca hát của mình, mở một quán ăn nhỏ ở khu Little Saigon để thăm dò, nay thì đã phát triển qua một địa điểm khác, nằm trên đường Moran - Bolsa, bên cạnh khu Phước Lộc Thọ, trung tâm Little Saigon, rất thành công và được đông đảo giới báo chí, anh em nghệ sĩ và cả những người từng hâm mộ cô trước kia biết đến và ủng hộ. Nhưng khoảng năm 2018, nhà hàng đã chính thức ngừng kinh doanh.

Tuy bận với việc kinh doanh thương mại nhưng Thanh Mai vẫn hứa với lòng rằng sẽ có một ngày cô sẽ thu âm một đĩa nhạc để lại cho đời. Vào khoảng năm 2002, khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và nhạc sĩ Quốc Dũng đến Hoa Kỳ lần đầu tiên, cô ngỏ ý trên thì được mọi người khuyến khích và tích cực tiếp tay. Khi được biết cô con gái lớn của Thanh Mai là Fatima vừa mới tốt nghiệp bằng Cử nhân Kinh tế tại Đại học Irvine hè năm 2002 vừa qua, cũng có một chất giọng truyền cảm và mong muốn được nối nghiệp ca hát của mẹ nên Quốc Dũng đã sẵn lòng cho Fatima viết lời Anh của một bài hát được đặt nhạc bởi nhạc sĩ Quốc Dũng có tên là "You and me" và được thu trong album đầu tay của mẹ, Cơn gió thoảng. Trong album, Thanh Mai và cùng nhạc sĩ Quốc Dũng thể hiện lại các khúc nổi tiếng mà họ đã từng hát trước năm 1975, không chỉ vậy mà họ còn ngẫu hứng sáng tác nhiều ca khúc mới phù hợp với giọng ca của Thanh Mai vào album của mình.